Việc nuông chiều quá mức cộng thêm việc giáo dục không đúng cách sẽ khiến trẻ đã bướng bỉnh càng bướng bỉnh hơn hơn. Đặc biệt là trẻ ở độ tuổi mẫu giáo vì đây là giai đoạn trẻ bắt đầu nhận thức được vị trí của bản thân, mong muốn khẳng định chính mình và tạo ảnh hưởng với những người xung quanh. Đừng quá lo lắng vì con bạn bướng bỉnh, hãy cùng tìm hiểu các phương pháp hay để dạy trẻ bướng bỉnh sau đây và áp dụng nhé.
Kiên nhẫn và bình tĩnh
Các cha mẹ cần có sự kiên nhẫn trong việc giáo dục trẻ, làm gương cho trẻ trong việc kiềm chế cảm xúc và giữ bình tĩnh trước những hành vi ngang bướng của con thay vì quát tháo, đập phá đồ đạc… Đứa trẻ rất nhạy cảm với lời nói của mẹ. Nếu mẹ bộc lộ sự giận dữ, bé sẽ càng bướng bỉnh hơn. Thay vì cố ép trẻ làm theo ý muốn của mình, cha mẹ nên cho bé thêm sự lựa chọn với điều kiện những sự lựa chọn đó là được phép.
Tạo môi trường
Sự bướng bỉnh ở trẻ còn phụ thuộc vào môi trường xung quanh trẻ. Khi dạy trẻ, không nên có sự can thiệp của ông bà hay người khác, vì khi trẻ bị la sẽ có xu hướng tìm đến sự bênh vực của người khác. Nếu hay được bảo vệ và bênh vực, trẻ sẽ càng “lấn lướt” những lần sau.
Cho bé tham gia vào các quyết định nhỏ
Trong đời sống hàng ngày, cha mẹ nên cho trẻ đóng góp ý kiến vào các quyết định nhỏ trong gia đình, để trẻ dần dần quen với việc thảo luận và tôn trọng người khác, giúp phần nào giảm tính bướng bỉnh của trẻ. Chẳng hạn như mua chén bát màu gì, chọn quần áo yêu thích, chọn ga trải giường…
Hành động “bắc cầu”
Việc phạt trẻ một mặt làm cho trẻ hiểu được hành động đó là sai, nhưng mặt khác, với những trẻ hiếu động sẽ làm cho trẻ nhớ về hành động đó nhiều hơn. Vì mỗi khi bị la, hình ảnh của hành động đó lặp đi lặp lại trong đầu bé, và trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu tại sao không được làm như vậy. Thế nên, bên cạnh việc phạt trẻ, nên thực hiện hành động “bắc cầu”. Thay vì mẹ la hét những lời giận dữ, hãy hướng sự chú ý của trẻ vào một hành động khác, để trẻ quên đi hành động hư vừa rồi.
Khi bé làm mẹ giận
- Cố gắng giữ bình tĩnh. Các mẹ nên có tư tưởng rằng đứa trẻ nào cũng làm vài điều hư để thấy bớt giận con.
- Nghiêm giọng và nhìn thẳng vào trẻ, nghiêm túc chỉ ra cho trẻ điều sai. Việc làm này sẽ giúp trẻ hiểu hơn về tính kỷ luật.
- Nói với bé: “Nếu con làm như vậy một lần nữa, mẹ sẽ phạt!”. Và nếu bé tái phạm, mẹ nên phạt bé. Có như vậy bé mới hiểu được giới hạn của những điều mình làm.
Cha mẹ cần khắc phục tính bướng bỉnh cho trẻ từ khi còn sớm. Cần thật sự kiên nhẫn trong việc giáo dục trẻ, thay vì la mắng và trừng phạt, cần phân tích để trẻ hiểu được vấn đề, chủ động cho trẻ đóng góp ý kiến…để trẻ quen dần với sự bình đẳng, biết quan tâm chia sẻ với những người xung quanh, và dần dần xóa bỏ đi tính bướng bỉnh.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét